HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH VỀ PHÁT HUY Ý CHÍ TỰ LỰC, TỰ CƯỜNG NHẰM TIẾP TỤC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC XÂY DỰNG ĐẢNG VÀ HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ TRONG SẠCH, VỮNG MẠNH


CÂU CHUYỆN: ĐÔI BÀN TAY

NỘI DUNG CÂU CHUYỆN

Tháng 02/1911, Nguyễn Tất Thành rời Phan Thiết vào Sài Gòn. Cũng trong thời gian này, Bác đã gặp được anh Lê và trở thành đôi bạn thân thiết. Một hôm, khi đi dạo khắp thành phố Sài Gòn, Bác đột nhiên hỏi bạn: “Anh Lê, anh có yêu nước không?”. Anh Lê ngạc nhiên và đáp: “Tất nhiên là có chứ!”. Anh Ba (bí danh của Nguyễn Tất Thành) hỏi tiếp: “Anh có thể giữ bí mật không?”. Người bạn đáp: “Có.” Anh Ba nói tiếp: “Tôi muốn đi ra nước ngoài, xem nước Pháp và các nước khác. Sau  khi xem xét họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta. Nhưng đi một mình, thật ra cũng có nhiều mạo hiểm, ví như đau ốm… Anh muốn đi với tôi không?”. Anh Lê trả lời: “Nhưng bạn ơi! Chúng ta lấy đâu ra tiền mà đi?”

“Đây, tiền đây! - anh Ba vừa nói vừa giơ hai bàn tay. Chúng ta sẽ làm việc, chúng ta sẽ làm bất cứ việc gì mà sống và để đi. Anh cùng đi với tôi chứ?”. Bị lôi cuốn vì lòng hăng hái của Bác, anh Lê đồng ý. Nhưng sau khi suy nghĩ kỹ, anh Lê không đủ can đảm và giữ lời hứa đó nữa.

Ngày 02/6/1911, Nguyễn Tất Thành xin làm việc ở tàu Đô đốc mang tên Amiran Latusơ Tơrêvin của hãng Năm sao đang chuẩn bị rời cảng Sài Gòn đi Mác-xây, Pháp. Lúc tàu cập cảng Sài Gòn, anh Thành xuống tàu và gặp thuyền trưởng Lui Edu a Maisen. Thuyền trưởng hỏi rằng: “Anh có thể làm được việc gì?” Tất Thành trả lời: “Tôi có thể làm bất cứ công việc gì!”. Sau đó thuyền trưởng nhận Thành vào làm phụ bếp.

Ngày 03/6/1911, Nguyễn Tất Thành bắt đầu làm việc ở tàu Đô đốc Latusơ Tơrêvin, nhận thẻ nhân viên của tàu với tên mới là Văn Ba.

Bác Hồ lấy tên là Văn Ba lên tàu Amiral Latouche Tréville rời cảng Nhà Rồng đi tìm đường cứu nước.

Ngày 05/6/1911, tàu Đô đốc Amiran Latusơ Tơrêvin nhổ neo rời bến cảng Nhà Rồng (Sài Gòn) đi Mác-xây (Pháp), mang theo người thanh niên Việt Nam 21 tuổi Nguyễn Tất Thành rời Tổ quốc bắt đầu cuộc hành trình 30 năm đi tìm đường cứu nước để đem lại độc lập, tự do cho dân tộc.

Ý NGHĨA CÂU CHUYỆN

Câu chuyện trên đã thể hiện tinh thần tự lực, tự cường – một phẩm chất cao quý và thiết yếu trong sự nghiệp cách mạng. Với khát vọng giải phóng dân tộc, Bác không trông chờ vào điều kiện thuận lợi hay sự hỗ trợ từ người khác mà tự mình đối mặt với khó khăn, chỉ với “hai bàn tay trắng” và một lòng quyết tâm mạnh mẽ. Câu nói “Đây, tiền đây!” cùng với hành động giơ hai bàn tay của Bác tượng trưng cho ý chí lao động tự lực, sẵn sàng làm bất cứ công việc gì để sống và thực hiện lý tưởng lớn lao. Việc quyết tâm ra đi dù biết trước nhiều gian khổ, như bệnh tật hay nguy hiểm, càng khẳng định tinh thần độc lập, không dựa dẫm và sự kiên định vượt qua thử thách.

Câu chuyện không chỉ là tấm gương sáng ngời về ý chí tự thân vượt khó mà còn khơi dậy tinh thần trách nhiệm trong mỗi người Việt Nam hôm nay, rằng chỉ có tự lực, tự cường mới có thể xây dựng một đất nước độc lập, giàu mạnh và phát triển bền vững. Trong bối cảnh hội nhập và phát triển, tinh thần tự lực, tự cường không chỉ dừng lại ở cấp độ cá nhân mà còn là yếu tố then chốt giúp đất nước vươn lên, làm chủ công nghệ, kinh tế và tri thức để khẳng định vị thế trên trường quốc tế.

BÀI HỌC CHO BẢN THÂN

Qua câu chuyện của Bác về tinh thần tự lực, tự cường và kiên trì vượt qua thử thách. Là một giáo viên, tôi nhận thức rằng chỉ có sự tự học, không ngừng trau dồi kiến thức và kỹ năng mới giúp tôi theo kịp sự phát triển nhanh chóng của công nghệ. Cũng giống như Bác không thể chỉ dựa vào sự trợ giúp từ bên ngoài, mà phải chủ động tìm kiếm giải pháp cho những thử thách trong công việc của mình. Không chỉ dừng lại ở việc tự học, tôi cũng cần chủ động đổi mới phương pháp giảng dạy, ứng dụng công nghệ mới để nâng cao hiệu quả đào tạo, giúp học viên không chỉ tiếp thu kiến thức mà còn rèn luyện kỹ năng thực tế.

Đồng thời, tôi cũng hiểu rằng trong công việc của mình, tôi cần truyền cảm hứng cho học viên về tinh thần tự học, sự sáng tạo và quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, vì chỉ khi có khả năng tự lực và tự chủ trong học tập và trong công việc thì mới có thể trở thành những lập trình viên xuất sắc và đóng góp cho xã hội.

Câu chuyện của Bác cũng nhắc nhở tôi về trách nhiệm trong việc thực hiện các nhiệm vụ được giao, không chỉ trong công việc chuyên môn mà còn trong các hoạt động Đảng. Việc tự lực trong công tác chuyên môn sẽ giúp tôi đóng góp vào sự phát triển chung của Đảng, cũng như của Trung tâm CUSC trong việc phát triển công nghệ và đào tạo, theo đúng tinh thần của Đảng về đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững.

BÀI HỌC ÁP DỤNG TẠI CUSC

Từ câu chuyện của Bác, một bài học về tinh thần tự lực tự cường, khuyến khích mỗi cá nhân tại CUSC nỗ lực vượt khó và tự mình vươn lên trong mọi hoàn cảnh.

Trước hết, bài học nhấn mạnh rằng thành công không thể dựa hoàn toàn vào sự hỗ trợ từ bên ngoài, mà phải xuất phát từ ý chí và khả năng của chính mình. Tại CUSC mỗi cá nhân cần phát huy tinh thần tự lực bằng cách chủ động học hỏi, nghiên cứu và tìm giải pháp cho vấn đề thay vì chỉ thụ động chờ đợi sự hướng dẫn. Chính sự chủ động này sẽ tạo nên sự khác biệt trong việc nâng cao chất lượng đào tạo và phát triển công nghệ.

Bài học khuyến khích tinh thần kiên trì vượt qua thử thách. Trong bối cảnh công nghệ luôn thay đổi, việc thích nghi và sáng tạo đòi hỏi mỗi cá nhân tại CUSC phải không ngừng nỗ lực tự hoàn thiện, đón nhận khó khăn như cơ hội để trưởng thành và phát triển. Đặc biệt, mỗi đảng viên tại CUSC cần nêu cao tinh thần gương mẫu, chủ động trong công tác chuyên môn cũng như hoạt động Đảng, từ đó tạo động lực cho đồng nghiệp và học viên cùng noi theo.

Tinh thần tự lực tự cường cũng là động lực để chúng ta xây dựng một cộng đồng làm việc và học tập đoàn kết, mỗi cá nhân đều đóng góp tích cực dựa trên chính năng lực của mình. Điều này không chỉ giúp Trung tâm phát triển bền vững mà còn khẳng định vị thế tiên phong trong lĩnh vực công nghệ và đào tạo. Bên cạnh đó, tinh thần tự lực, tự cường còn góp phần quan trọng trong công tác xây dựng Đảng tại CUSC. Khi mỗi cá nhân, đặc biệt là đảng viên, chủ động học hỏi, sáng tạo và cống hiến, sẽ giúp Chi bộ Trung tâm ngày càng vững mạnh, góp phần xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, ổn định, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước.

Phụ trách: Lâm Cẩm Ký

(Nguồn câu chuyện: https://stttt.laocai.gov.vn/tai-lieu-tham-khao/bai-hoc-tu-cau-chuyen-doi-ban-tay-597062)